Thứ Sáu, 24 tháng 1, 2014

Chuyên gia công nghệ âm thanh: Tìm ở đâu?

kythuatamthanhanhsang.blogspot.com dẫn từ nguồn: http://www.pcworld.com.vn/mobile/anpham/tm/409/articles/quan-ly/nguon-luc/2010/10/1222496/chuyen-gia-cong-nghe-am-thanh-tim-o-dau/
Đài phát thanh, truyền hình, hãng sản xuất băng đĩa nhạc, đoàn nghệ thuật, rạp chiếu bóng... đang rất cần kỹ sư, kỹ thuật viên về công nghệ âm thanh nhưng nguồn cung không đủ đáp ứng. Làm thế nào để đáp ứng được nhu cầu?
TS Trần Công Chí, nguyên Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật và Đo lường của Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) đã trao đổi về vấn đề này với TGVT B.
TGVT B: Là chuyên gia trong lĩnh vực âm thanh, ông có thể cung cấp cho bạn đọc biết thêm về nhu cầu đối với công việc này?
TS Trần Công Chí: Nhiều năm qua, Việt Nam mới chỉ đào tạo kỹ sư điện tử và nhạc sĩ chứ chưa thực sự đào tạo được chuyên gia về kỹ thuật, công nghệ âm thanh theo đúng nghĩa. Đó là thực tế mà các “nhà đài” ở nước ta, trong đó có VOV mà tôi từng gắn bó hết sức thấm thía. Một số rất ít người được may mắn đào tạo về chuyên ngành này ở nước ngoài. Số còn lại phải tự học hỏi hoặc đào tạo lẫn nhau theo kiểu người đi trước dạy lại cho người sau.

Đứng trước nhu cầu rất lớn này của các “nhà đài”, hãng băng đĩa nhạc và các nhà hát, rạp phim, vấn đề này đã được VOV và Ủy ban Phát thanh Truyền hình (nay là Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử)) thảo luận từ cuối thập niên 1980 với việc phải cho ra đời một mã ngành riêng để đào tạo kỹ sư, kỹ thuật viên, đạo diễn âm thanh ở trình độ cao đẳng và cả trình độ đại học.
Bước đầu, những tâm huyết của chúng tôi với khung chương trình học theo môi trường đào tạo của nước Cộng hòa Dân chủ Đức (cũ) đã được triển khai ở trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội với 7 khóa đào tạo. Các sinh viên theo học tại đây đều được các đơn vị trong ngành đón tận nơi và có việc làm ổn định. Thậm chí nhiều người còn "ăn nên làm ra" do nhu cầu của thị trường. Điều đáng tiếc là vì nhiều lý do, hoạt động đào tạo cho chuyên ngành này tại đây đã không được duy trì và phát triển. Hiện tại, tôi có tham gia giảng dạy cho khoa Kỹ thuật và Công nghệ của Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội về chuyên ngành này. Tuy nhiên, cũng vì nhiều lý do nên môi trường đào tạo này chưa được như mong muốn của cả thầy và trò.
Sẽ là rất lý tưởng nếu các em có năng khiếu âm nhạc được bồi dưỡng có trình độ về khoa học tự nhiên đủ ngưỡng cần thiết. Làm được điều đó mới là thực sự “ươm mầm” cho tương lai”, Tiến sĩ Trần Công Chí.
Vậy khó khăn của việc phát triển và đào tạo chuyên ngành này do đâu và hướng khắc phục?
Trong một chừng mực nào đó, để trở thành chuyên gia về công nghệ âm thanh thì phải có “tai nhạc” bên cạnh trình độ chuyên môn về điện tử và kiến trúc âm thanh. Nghĩa là, để theo đuổi ngành này, trong một chừng mực nào đó người học phải có năng khiếu nhất định. Tuy nhiên, việc đào tạo âm nhạc trong nhà trường phổ thông ở nước ta tồn tại nhiều hạn chế. Mặt khác, ở bậc đại học những tư duy phân định ngăn cách giữa khoa học và nghệ thuật cũng là vấn đề cần thống nhất.
Chính vì thực tế đó, việc mở các chuyên ngành đào tạo về công nghệ âm thanh hết sức khó khăn cả về phía nhà trường lẫn người học. Các trường thuộc khối kỹ thuật thì vẫn nặng tư duy thuần túy kỹ thuật mà chưa thực sự nhìn vào nhu cầu thực tế cùng sự kết hợp tất yếu của khoa học và nghệ thuật. Còn các trường nghệ thuật thì dường như vẫn ngại tiếp xúc, mở cửa với khoa học công nghệ. Thậm chí, có lẽ vì “Bụt chùa nhà không thiêng” nên việc này cũng chưa thực hiện được bao nhiêu ở ngay chính các trường cao đẳng của ngành phát thanh và truyền hình.
Theo ông, CNTT có ảnh hưởng thế nào đối với ngành công nghệ âm thanh?
Có thể nói, sự phát triển của CNTT đã và đang tác động ghê gớm đến rất nhiều lĩnh vực. Riêng với âm thanh, bước tiến của nó là song hành với đồ họa. Trong các chương trình ca nhạc, có lẽ rất ít người để ý việc phối nhạc được thực hiện bằng máy tính với các phần mềm chuyên dụng. Và thực tế là số đông các nhạc sĩ trẻ cũng sử dụng máy tính để soạn nhạc chứ không sử dụng các nhạc cụ truyền thống rồi sau đó phải ghi chép lại trên giấy. Còn với điện ảnh thì còn phải tạo ra các hiệu ứng âm thanh đặc biệt, lọc tạp âm... Trước đây, khi CNTT chưa phát triển, người ta phải có những công nghệ tạo ra âm thanh bằng phương pháp thủ công và lập thư viện âm thanh bằng băng ghi âm rất phức tạp và buộc phải quản lý thủ công. Nay nhờ có phần mềm và thư viện số nên mọi việc đơn giản hơn rất nhiều.
Tuy nhiên, để khai thác, sử dụng và bổ sung được các nội dung mới thì đương nhiên là phải đào tạo con người một cách bài bản, nghiêm túc. Càng đi sâu vào nó sẽ càng có nhiều điều lý thú mà trong khuôn khổ cuộc trao đổi này khó có thể nói hết được.
Vậy ông mong muốn gì cho định hướng này?
Tìm được những người tâm huyết với mình quả là điều khó và làm được một cái gì chung cũng thật không đơn giản. Thị trường nhân lực cho lĩnh vực này chắc chắn là có và chúng ta hoàn toàn có thể bắt tay hợp tác để đào tạo theo cơ chế thị trường với đầu vào là những người có nhu cầu và đã có bằng đại học, cao đẳng của các ngành điện tử, CNTT, vật lý, kiến trúc và âm nhạc.
Tuy nhiên, điều mà tôi tâm huyết lớn nhất vẫn là làm thế nào đào tạo được theo chương trình cao đẳng hoặc đại học với đầu vào là học sinh tốt nghiệp phổ thông. Với tình trạng như hiện nay, dù nhu cầu thị trường đòi hỏi rất lớn nhưng cách thức đào tạo vẫn là “nghiệp dư” và khiếm khuyết, không thể kéo dài mãi. Vì thế, chúng tôi rất mong muốn các nhà hoạch định chính sách và thế hệ trẻ cùng xắn tay để bù lấp lỗ hổng này. (Tân Khoa)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét